Trong động thái gần như là đầu tiên kể từ khi tiếp quản 25% cổ phần của MU, Sir Jim Ratcliffe và công ty INEOS của ông đã kéo được Omar Berrada từ COO của tập đoàn City Group (quản lý Man City) về làm CEO của MU. Điểm lại lịch sử, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra những vụ “cướp người” kiểu này giữa hai đội bóng thành Manchester.
Rõ ràng đó là một thất bại. Lần “tái hôn” với Ronaldo đã trở thành một cơn ác mộng với MU, khi ngôi sao người Bồ Đào Nha không dưới một lần thể hiện thái độ vô kỷ luật, chống đối HLV, rồi sau đó còn tung hê tất cả trong cuộc phỏng vấn tai tiếng với Piers Morgan, một fan cứng của... Arsenal. Tất cả chỉ khép lại với việc đôi bên chấm dứt hợp đồng và Ronaldo gia nhập Al Nassr ở Saudi Arabia.
Nhưng đó là điều không ai nghĩ tới ở thời điểm vừa có tin Ronaldo sẽ trở lại. Lúc ấy, đó là một chiến thắng lớn của MU. Người người ăn mừng. Peter Schmeichel bật champagne ngay trên sóng trực tiếp, thậm chí cả Roy Keane cũng hòa chung nhịp hoan ca khi đăng bức ảnh chụp cùng Ronaldo thời trẻ. Hương vị của chiến thắng trở nên ngọt ngào hơn khi MU có được Ronaldo ngay trước mũi của đại kình địch Man City.
Lúc ấy người ta chỉ nói về tình yêu, về lòng trung thành, về rất nhiều thứ đẹp đẽ mà chỉ MU mới có, trong khi Man City thì không.
Ngày có được Carlos Tevez, người trước đó đã không thể đạt được thỏa thuận về một bản hợp đồng mới với MU, lãnh đạo Man City quyết định chơi lớn. Họ chi tiền dựng một biển quảng cáo lớn bên ngoài thành phố, với nội dung là Tevez trong màu áo xanh và dòng chữ “Chào mừng tới Manchester”.
“Là [Manchester] City chứ hả?”, Sir Alex hỏi một cách mỉa mai. “Tất cả những gì bọn họ có thể làm là không ngừng nói về Manchester United. Họ bị ám ảnh. Họ nghĩ lấy được Carlos Tevez từ Manchester United là một chiến thắng. Thật tội nghiệp.” Nhưng Sir Alex đã sai. Đó là một chiến thắng.
Vụ chuyển nhượng Tevez là một bằng chứng cho thấy cán cân quyền lực ở thành Manchester đã bắt đầu chuyển dịch về phía Man City sau nhiều năm họ phải sống trong bóng tối. Trong hai năm, Tevez đã giúp City vô địch FA Cup và đặc biệt là Premier League lần đầu tiên trong lịch sử. Ngày ăn mừng, cầu thủ người Argentina giơ tấm biển “R.I.P Fergie”.
Một năm sau, Fergie nghỉ hưu. Đế chế United chính thức bước vào thời kỳ thoái trào.
Một năm sau khi Tevez rời Old Trafford, MU lại đứng trước nguy cơ mất thêm một ngôi sao lớn khác trên hàng công. Wayne Rooney đã thực sự nghĩ tới việc chia tay Quỷ đỏ, sau khi công khai bày tỏ sự thất vọng về tình trạng thiếu tham vọng của đội bóng. Trong số những đội bóng đã liên hệ với ngôi sao người Anh, ngoài Chelsea, Real, Barca còn có cả Man City.
Chính cái tên cuối cùng trong danh sách là động lực khiến HLV Ferguson quyết tâm giữa Rooney bằng mọi giá. Sau nhiều nỗ lực thuyết phục, cùng với các cuộc biểu tình phản đối của CĐV bên ngoài nhà riêng của Rooney, và không thể không nói tới bản hợp đồng 5 năm đầy hấp dẫn, vị HLV người Scotland đã thành công trong việc giữ chân ngôi sao sáng nhất của mình.
“Tôi nghĩ thứ khiến Sir Alex tổn thương cả là thực tế Manchester City có mặt trong số những đội bóng có liên hệ với Wayne Rooney,” trợ lý cũ Meulensteen sau này kể lại. “Sir Alex sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để giữ anh ta lại.”
Schmeichel là hòn đá tảng trong những thành công của United ở thập niên 1990. Ông có lẽ là thủ môn hay nhất thế giới ở thời điểm đó, và rõ ràng thủ môn hay nhất, nếu không thì cũng là thành công nhất, trong lịch sử của CLB.
Năm 1999, Schmeichel quyết định ra đi trong vinh quang. Ông thông báo treo găng sau khi giúp MU giành cú ăn ba lịch sử. Nếu mọi chuyện dừng lại ở đây, cái tên Peter Schmeichel sẽ mãi mãi chói lọi trong lòng các CĐV của Quỷ đỏ.
Nhưng không. Schmeichel sau đó bất ngờ thay đổi kế hoạch và tới đầu quân cho Sporting. OK, cũng không sao. Bóng đá Anh khốc liệt quá, Schmeichel ở tuổi đó không theo kịp là bình thường. Ấy thế nhưng sau đó lòng vòng thế nào mà Schmeichel lại trở lại Anh, và tệ hơn là đầu quân cho... Man City.
Thời điểm ấy City vẫn là đàn em đứng sau MU cả cây số. Nhưng hành động của Schmeichel vẫn không được chấp nhận. Gary Neville trong trận derby sau đó đã từ chối bắt tay thủ thành người Đan Mạch.
Nếu bạn chưa biết, thì Denis Law là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại của Man United. Ông chính là một trong ba nhân vật có mặt trong bức tượng Bộ ba thần thánh vẫn đang được dựng trước cổng sân Old Trafford, bên cạnh Sir Bobby Charlton và George Best. Ông hiện đứng thứ ba trong danh sách những cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho MU (237 bàn), sau Charlton và Rooney.
Law xứng đáng được treo giày với những chế độ tốt nhất ở MU. Nhưng vào năm 1973, ông bị MU, lúc đó đang gặp nhiều khó khăn trong kỷ nguyên hậu Sir Matt Busby, đẩy ra đường. Không có lựa chọn nào khác, ông tới Man City. Định mệnh đưa đẩy thế nào mà ở vòng áp chót mùa đó, MU lại đụng độ với Man City của Law trong trận đấu mà họ phải thắng để nuôi hi vọng trụ hạng.
Tỉ số vẫn là 0-0 khi trận đấu chỉ còn ít phút, thế rồi Law bất ngờ tung ra cú đánh gót gọn ghẽ vào góc lưới. Ông không ăn mừng, và cũng lập tức được thay ra. Từ đó về sau ông cũng không đá thêm trận nào ở giải VĐQG nữa. Nhưng bàn thắng của ông thì trở nên bất tử. Bàn thắng đó đã đưa MU xuống hạng. Một pha phản lưới!